Hoạt động nhà trường

Giáo dục - đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh - 50 năm “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” và hướng tới một nền giáo dục tiên tiến

Giáo dục - đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh - 50 năm “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” và hướng tới một nền giáo dục tiên tiến

Administrator
  1. Giáo dục - đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh - 50 năm “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” và hướng tới một nền giáo dục tiên tiến

Chiến dịch Hồ Chí Minh, đỉnh cao của Đai thắng mùa Xuân năm 1975 đã toàn thắng, nhân dân thành phố Sài Gòn hân hoan tiếp tục trở lại hoạt động bình thưởng và bước vào xây dựng cuộc sống mới.

Ngành giáo dục - đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã vượt qua những giai đoạn khó khăn để đạt được nhiều kết quả to lớn, xứng tầm với tầm vóc giáo dục - đào tạo của một thành phố lớn của cả nước.

Một trong những hoạt động được chính quyền mới quan tâm là hoạt động giáo dục, nhanh chóng đưa học sinh trở lại trường học, không để gián đoạn hoạt động học tập của trẻ em. Từ những ngày đầu tiên sau giải phóng cho đến nay, giáo dục - đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã vượt qua những giai đoạn khó khăn để đạt được nhiều kết quả to lớn, xứng tầm với tầm vóc giáo dục - đào tạo của một thành phố lớn của cả nước.

1. Giáo dục - đào tạo Thành phố giai đoạn từ sau ngày giải phóng đến trước thời kỳ đổi mới (1975 - 1985)

Trong niềm hân hoan của những ngày đầu giải phóng, chính quyền cách mạng đã chú trọng ngay đến việc khôi phục nền giáo dục, đưa hoạt động của nhà trường trở lại bình thường. Để thực hiện việc khôi phục hệ thống giáo dục, Thành phố cũng đứng trước rất nhiều khó khăn. “Trước năm 1975, Thành phố là địa bàn của 3 đơn vị hành chính: Thành phố Sài Gòn (11 quận), tỉnh Gia Định (11 quận), và quận Củ Chi (thuộc tỉnh Hậu Nghĩa cũ) với tổng số dân lúc ấy khoảng 3,5 triệu người. Hệ thống giáo dục Sài Gòn - Gia Định - Củ Chi vào thời điểm tháng 5 năm 1975 có 1.640 cơ sở giáo dục, quy mô lớn nhỏ rất khác nhau với khoảng 625.000 học sinh các cấp học phổ thông. Số trường Trung học kỹ thuật, cao đẳng chuyên nghiệp và đại học có 32 trường với khoảng 113.500 học sinh, sinh viên").

Tuy nhiên, mạng lưới giáo dục, nhất là giáo dục phổ thông được phân bố tập trung ở khu vực thành phố, ven các trục giao thông thuận lợi, học sinh trong độ tuổi đi học bị thất học nhiều; các trường tư thục chiếm trên 70% dẫn đến chất lượng giáo dục không đồng đều, trong lúc giáo dục mầm non, giáo dục trẻ khuyết tật và công tác xóa nạn mù chữ không được chú trọng.

Ngay những tháng đầu tiên nắm chính quyền, Ban Thường vụ Trung ương Cục miền Nam ra quyết định chính thức thành lập Sở Giáo dục thành phố Sài Gòn (24/7/1975) nhằm xây dựng bộ máy quản lý mới từ thành phố đến các cơ sở giáo dục.

Thành phố đã nhanh chóng đưa giáo dục trở lại hoạt động bình thường. Một công việc khó khăn nhưng đây trách nhiệm, nhân văn là Tiểu ban Giáo dục của Chính phủ cách mạng làm thời đã tổ chức thành công kỳ thi tú tài cho học sinh lớp 12 ngay sau khi Thành phố mới giải phóng). Chính quyền đẩy mạnh việc xóa mù chữ cho nhân dân lao động, bổ túc văn hóa cho cán bộ và thanh niên, phát triển giáo dục mẫu giáo và giáo dục phổ thông nhằm tạo điều kiện cho con em nhân dân lao động được đi học.

Theo Chỉ thị số 221/CT của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng nền giáo mới ở miền Nam, Thành phố đã thực hiện nhiệm vụ công lập hóa các trường tư thục lớn nhỏ, cụ thể là năm học 1975 - 1976 công lập hóa 1.514 trường với 382.000 học sinh, đến năm học 1977 - 1978, việc công lập hóa được hoàn thành. Các trường học giai đoạn này học sinh được miễn phí hoàn toàn khi đến trường. Thành phố tiến hành quy hoạch lại mạng lưới trường lớp phù hợp đặc điểm dân cư của địa bàn quận huyên; cải tạo lại mạng lưới trường lớp, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho nhà trường.

Về chương trình học, ngay từ sau giải phóng, giáo dục phổ thông đã áp dụng chương trình giáo dục 12 năm, trong khi đó miền Bắc vẫn còn áp dụng chương trình giáo dục phố thông 10 năm, chia ra làm 3 cấp học như sau: Cấp I: học 5 năm (Từ lớp 1 đến lớp 5), Cấp II: học 4 năm (Từ lớp 6 đến lớp 9), Cấp III: Học 3 năm (Từ lớp 10 đến lớp 12). Chương trình và sách giáo khoa được Bộ Giáo dục soạn thảo và ban hành từ năm 1973 - 1974 chuẩn bị sử dụng cho các vùng giải phóng ở miền Nam, khác với chương trình và sách giáo khoa hệ 10 năm của miền Bắc.

Giáo dục - Đào tạo TP.Hồ Chí Minh giai đoạn từ 1976 - 1986 đã vừa phải tiến hành cải tạo nến giáo dục cũ, vừa xây dựng nền giáo dục mới để phục vụ kịp thời nhu cầu học tập của người dân. Trong công tác cải tạo, ngành giáo dục đã kế thừa hệ thống giáo dục cũ, phát huy các mặt tích cực của đội ngũ giáo chức, cơ sở vật chất cũ... đồng thời phát triển nhanh mạng lưới trường lớp trong Thành phố, công tác xóa mù chữ đã hoàn thành nhiệm vụ với thời gian sớm hơn dự kiến.

2. Giáo dục - đào tạo TP.Hồ Chí Minh giai đoạn từ năm 1986 - 2006

Tháng 12/1986, Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ VI đã họp và mở ra Đại hội xác định “nhiệm vụ bao trùm, mục tiêu tổng quát trong những năm còn lại của chặng đường đầu tiên là ổn định mọi mặt tình hình kinh tế - xã hội, tiếp tục xây dựng những tiền đề cần thiết cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong chặng đường tiếp theo"). Thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng, ngành giáo dục - đào tạo đã có những chủ trương và quyết sách để đối mới trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Nhà nước đã ban hành một số luật, như: Luật Phổ cập giáo dục tiểu học; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Công ước về quyền trẻ em ở Việt Nam... Hệ thống giáo dục quốc dân cũng được đổi mới, đa dạng các loại hình trường lớp, liên thông giữa các ngành học, cấp học; gắn mục tiêu giáo dục với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Khi bước vào thiên niên kỷ mới, giáo dục - đào tạo Thành phố cũng tiếp tục có những bước chuyển mới. Năm 2000, ngành Giáo dục - Đào tạo Thành phố được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. Năm 2002, có hai đơn vị được phong tặng Anh hùng lao động đầu tiên của ngành là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và Trường Mẫu giáo Bông Sen 2 (huyện Củ Chi). Năm 2004, có 02 đơn vị được tặng thưởng Huân chương Độc Lập hạng Ba là Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn (Quận 3) và Trường Mẫu giáo Măng Non 1 (Quận 10).

Thành phố đã từng bước xây dựng trường đạt chuẩn cấp quốc gia, thực hiện học 2 buổi ngày theo quy định của Bộ. Đến năm học 2003 - 2004, Thành phố đã có 12 trường mầm non, 17 trường tiểu học, 03 trường THCS, 01 trường THPT được Bộ công nhận đạt chuẩn quốc gia. Toàn thành phố có 307 trường tiểu học, 64 trường THCS và 14 trường THPT học 2 buổi ngày). Cũng trong năm này, kết quả thi tốt nghiệp THPT của Thành phố đạt tỷ lệ 92,48% cao hơn năm trước 4%. Đoàn học sinh Thành phố tham gia cuộc thi Toán quốc tế tại Ấn Độ dành cho học sinh tiểu học đã giành giải Nhất toàn đoàn với tổng số 20 huy chương vàng, bạc,

Giáo dục - Đào tạo Thành phố từ sau đổi mới đến năm 2005 đã có những phát triển vượt bậc, quy mô và chất lượng giáo dục không ngừng phát triển, cơ sở vật chất được chú trọng đầu tư, đổi mới công tác quản lý, nâng chất lượng đội ngũ giáo viên, thực hiện xã hội hóa giáo dục, khẳng định được vị trí của ngành giáo dục - đào tạo ở một thành phố lớn.

3. Giáo dục - đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2006 đến nay

Giai đoạn 2006 đến nay, mở đầu là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, tổng kết 20 năm đất nước ta tiến hành đổi mới và tiếp tục để ra những đường hướng cho giai đoạn mới. Ngày 04 tháng 11 năm 2013, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết là “Giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn liền với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội".

Giai đoạn này, ngành Giáo dục - Đào tạo Thành phố cũng tiến hành thực hiện Cuộc vận động, học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 06/CT/TW tạo nên đợt sinh hoạt chính trị có sự lan tỏa rộng rãi góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm trong toàn ngành giáo dục Thành phố. Sở Giáo dục - Đào tạo Thành phố cũng tiến hành thực hiện việc 100% cơ sở giáo dục xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh phục vụ thiết thực cho hoạt động dạy và học trong các môn Lịch sử, Văn học, Giáo dục công dân...

Thành quả nổi bật giai đoạn này là tiếp tục phát huy truyền thống các giai đoạn trước, giáo dục - đào tạo TP.Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều thành quả về đội ngũ, số lượng trường lớp và cơ sở vật chất.

Từ năm 2018, cả nước thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa nhằm cụ thể hóa chủ trương đối mới giáo dục - đào tạo theo tinh thần của Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Ngành giáo dục - đào tạo Thành phố đã chủ động chuẩn bị về nguồn nhân lực giáo viên như tổ chức bồi dưỡng giáo viên phục vụ đổi mới theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh, bồi dưỡng giáo viên dạy các môn học liên môn, tiến hành lựa chọn sách giáo khoa và chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ dạy học.

Trong suốt 50 năm phát triển, ngành Giáo dục - Đào tạo Thành phố đã thực hiện tốt và đạt được những thành quả to lớn. Giáo dục - Đào tạo Thành phố đã thực hiện các mục tiêu chiến lược là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài.

Về đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, nếu như “năm học 1975 - 1976 TP.Hồ Chí Minh có 19 ngàn cán bộ quản lý và giáo viên thì đến năm 2014 - 2015 đã có 48,5 ngàn người, nếu tính cả cán bộ quản lý, giáo viên ngoài công lập từ Mầm non đến THPT là 81 ngàn người. Gần 100% cán bộ quản lý và giáo viên được đào tạo đúng chuẩn, trong đó số trên chuẩn ở Mầm non là 68%, THCS là 82% và THPT hơn 11%”(1). Thời điểm đầu năm học 2023 - 2024, toàn Thành phố có 80.008 giáo viên, tăng 2.837 giáo viên so với năm học trước, “Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được trẻ hóa, có phẩm chất chính trị và đạo đức chuẩn mực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong công tác giảng dạy. Đến nay 100% cán bộ quản lý các trường phổ thông có trình độ đào tạo (theo quy định của Luật Giáo dục 2019) đạt chuẩn và trên chuẩn”).

Về quy mô trường lớp và học sinh, năm học 2023 - 2024, toàn Thành phố có 2.295 trường, trong đó hệ mầm non có 1.275 trường, Tiểu học có 520 trường, THCS có 284 trường, 122 trường THPT. Về số lượng học sinh, toàn Thành phố có 1.683.123 học sinh, tăng 14,5 nghìn so với năm học trước, trong đó có 315.142 học sinh mầm non, 632.698 học sinh tiểu học, 483.372 học sinh THCS và 251.911 học sinh THPT, tăng 8,5 nghìn học sinh. Cho đến năm 2023, thành tựu về phổ cập giáo dục và xóa mù chữ Thành phố đã đạt được thành tựu to lớn. 312/312 phường, xã, thị trấn duy trì đạt chuẩn giáo dục phổ cập THCS. Đối tượng có độ tuổi 15 đến 18 có bằng THCS là 98,36%, tăng so với năm 2022. Tổng hợp “Kết quả đạt được là: - 100% đạt chuẩn phổ cập trẻ em 5 tuổi. 100% đạt chuẩn phố cập bậc tiểu học mức độ 3, 100% đạt chuẩn phổ cập bậc trung học mức độ 2 (81,8% đạt mức độ 3), 100% đạt chuẩn xóa mù mức độ 2”.

Thành phố đã sớm đưa những nội dung giáo dục tiên tiến theo chuẩn quốc tế vào dạy học tại các trường tiên tiến của Thành phố cùng với hệ thống các trường quốc tế, các trường có yếu tố nước ngoài. Giáo dục - Đào tạo Thành phố luôn có những “nỗ lực vượt trội về chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà lần mũi nhọn, nhất là việc phát triển năng lực tiếp cận tri thức mới, khả năng sáng tạo, tự học của học sinh.

Thành tích xuất sắc của học sinh Thành phố tiếp tục khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông và khẳng định hướng đi đúng đắn trong phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh có năng khiếu; tạo ảnh hưởng, tác động to lớn, lan tỏa rộng rãi, thúc đẩy nỗ lực thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước”.

Hiện nay, Giáo dục - Đào tạo TP.Hồ Chí Minh đang chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, hướng đến một nền giáo dục tiên tiến, trở thành một trung tâm đào tạo của khu vực và thế giới. Ngành Giáo dục - Đào tạo Thành phố thực hiện có hiệu quả Đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp, tiến tới dạy tiếng Anh như là một ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường; thực hiện chương trình chất lượng cao "Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế; chương trình tiếng Anh tăng cường; thực hiện các cuộc thi khoa học kỹ thuật đánh giá theo chuẩn quốc tế... Ngành Giáo dục Đào tạo thực hiện Đề án của Thành phố đào tạo nhân lực trình độ quốc tế (08 ngành mũi nhọn) nhằm phát triển lực lượng lao động chất lượng cao, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế cho TP.Hồ Chí Minh và cả nước.

Trong 50 năm qua, ở một thành phố lớn nhất cả nước, trải qua nhiều thời kỳ khác nhau, trong đó có nhiều thời kỳ ở trong tình trạng khó khăn chung ở tất cả các lĩnh vực, nhưng Giáo dục - Đào tạo TP.Hồ Chí Minh đã nỗ lực để hoàn thành sứ mệnh của mình. Giáo dục phổ thông TP.Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp "nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” không chỉ cho TP.Hồ Chí Minh mà cho cả khu vực phía Nam và cả nước. Giáo dục - Đào tạo TP.Hồ Chí Minh có nhiều đối mới, luôn đi đầu trên nhiều lĩnh vực so với khu vực và cả nước nhất là những lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Hiện nay, Giáo dục - Đào tạo TP.Hồ Chí Minh đang nỗ lực hướng tới một nền giáo dục tiên tiến và phấn đấu trở thành trung tâm giáo dục của khu vực và thế giới. Với bề dày và kinh nghiệm 50 năm qua, ngành Giáo dục - Đào tạo của Thành phố sẽ gặt hái được nhiều thành tựu hơn nữa trong thời gian tới.

Nguồn: PGS.TS.NGƯT.Ngô Minh Οanh (Giảng viên Cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh) - lược ghi Tài Liệu Hội Thảo Khoa Học Thành Phố Hồ Chí Minh - Thành Tựu 50 Năm Xây Dựng, Bảo Vệ Và Phát Triển (30/4/1975-30/4/2025).

 

B. Kế hoạch tổng thể các hoạt động kỷ niệm 50 năm

Ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước

 

1. Chương trình Lễ kỷ niệm cấp quốc gia

Lễ kỷ niệm cấp quốc gia sẽ được tổ chức vào lúc 6 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 2025, tại tuyến đường Lê Duẩn, Quận 1, cùng với một số tuyến đường trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh.

Chương trình Lễ kỷ niệm sẽ bao gồm một chương trình nghệ thuật kéo dài 30 phút, do Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng, và Bộ Công an thực hiện. Sau phần chào cờ trang trọng, sẽ có diễn văn từ lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cùng với những phát biểu ý nghĩa từ đại diện cựu chiến binh và đại diện thế hệ trẻ. Chương trình sẽ tiếp tục với phần diễu binh và diễu hành, kết thúc bằng màn thả bóng bay và chim bồ câu, tượng trưng cho hòa bình và tự do.

2. Chương trình diễu binh, diễu hành

Chương trình diễu binh và diễu hành, do Bộ Quốc phòng chủ trì, sẽ bao gồm 4 khối diễu hành đặc sắc từ khối Nghi trượng, 36 khối diễu binh, và 12 khối diễu hành. Sự kiện này sẽ diễn ra vào lúc 6 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 2025, cùng thời điểm với lễ kỷ niệm.

Các lực lượng tham gia sẽ xuất phát từ giao lộ giữa đường Lê Duẩn và Nguyễn Bỉnh Khiêm, di chuyển qua lễ đài chính phía trước Hội trường Thống nhất. Sau khi hoàn tất lộ trình, các lực lượng sẽ chia thành bốn hướng khác nhau để trở về điểm tập kết.

Ngoài việc theo dõi trực tiếp trên đường phố, người dân có mặt tại khu vực trung tâm còn có thể theo dõi chương trình diễu binh và diễu hành qua 20 màn hình lớn được bố trí khắp nơi. Đồng thời, chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 - Đài truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh và các Đài Phát thanh - Truyền hình địa phương.

3. Lễ dâng hương, dâng hoa tưởng niệm

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, vào lúc 8 giờ 00 phút ngày 29 tháng 4 năm 2025, sẽ diễn ra lễ dâng hương và dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại các địa điểm như Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh, Nghĩa trang Thành phố (Lạc Cảnh), Đền Tưởng niệm Bến Dược, Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Củ Chi, Nghĩa trang Chính sách Thành phố Hồ Chí Minh (huyện Củ Chi), và Di tích lịch sử cấp quốc gia Ngã Ba Giồng (huyện Hóc Môn).

Lễ dâng hương và dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng sẽ được tổ chức vào ngày 29 tháng 4 năm 2025.

4. Các hoạt động chào mừng Lễ hội “Sắc màu Thành phố Bác”

Từ ngày 19 đến ngày 30 tháng 4 năm 2025, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ diễn ra nhiều hoạt động chào mừng Lễ hội “Sắc màu Thành phố Bác”. Điểm nhấn của sự kiện này là chương trình trình diễn nghệ thuật 3D Mapping tại mặt tiền trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố, kết hợp với ánh sáng, âm thanh và nhạc giao hưởng - hợp xướng.

Đặc biệt, vào đêm 19 tháng 4, sẽ có màn trình diễn với 2.000 thiết bị bay không người lái (drone), kết hợp với pháo hoa nghệ thuật thắp sáng bầu trời Thành phố, mang đến trải nghiệm ngoạn mục cho khán giả.

Ngoài ra, triển lãm điện ảnh “Âm vang đại thắng mùa Xuân 1975” sẽ giới thiệu 300 bức ảnh tư liệu quý giá, cùng với việc chiếu phim cộng đồng vào đêm 27 và 28 tháng 4 tại sân khấu Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mang tên “Ngày hội Thống nhất non sông” sẽ được tổ chức và truyền hình trực tiếp trên toàn quốc tại Hội trường Thống nhất, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, vào tối ngày 30 tháng 4 năm 2025.

5. Các chương trình nghệ thuật chào mừng khác

Song song với các hoạt động trên, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật chào mừng. Trong đó có chương trình nghệ thuật ngoài trời “Đất nước trọn niềm vui” diễn ra vào ngày 20 tháng 4 năm 2025 tại Hội trường Thống Nhất. Chương trình hòa nhạc đặc biệt chủ đề “Bản giao hưởng Hòa bình” sẽ được tổ chức vào tối ngày 21 tháng 4 năm 2025 tại Nhà hát Thành phố.

Bên cạnh đó, cầu truyền hình cấp quốc gia mang tên “Vang mãi khúc Khải hoàn” sẽ được tổ chức vào ngày 27 tháng 4 năm 2025 tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh. Chương trình nghệ thuật đặc biệt do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 29 tháng 4 năm 2025, tại phía trước Hội trường Thống Nhất, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Cuối cùng, biểu diễn nhạc kèn kết hợp với các kỹ thuật biểu diễn trên ngựa do Bộ Công an chủ trì dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 30 tháng 4 năm 2025 tại khu vực đường Lê Lợi và đường đi bộ Nguyễn Huệ.

Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) là một sự kiện trọng đại của dân tộc Việt Nam, là biểu tượng của khát vọng hòa bình, độc lập, tự do và sự kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Sự kiện đặc biệt này không chỉ là hoạt động tưởng nhớ quá khứ mà còn là động lực để Việt Nam tiến bước mạnh mẽ hơn trong kỷ nguyên mới.

 

  1. TP Hồ Chí Minh vinh danh 60 cá nhân tiêu biểu trong 50 năm qua

 

Thành ủy TP Hồ Chí Minh vừa thống nhất danh sách tôn vinh 60 cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố giai đoạn 1975-2025.

Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa thể hiện sự tri ân các cá nhân tiêu biểu đồng thời lan tỏa các giá trị tốt đẹp trong xã hội, truyền cảm hứng về sự cống hiến, trách nhiệm và sáng tạo trong công việc, tạo động lực cho thế hệ trẻ noi gương, tiếp nối sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố. Những cá nhân được xét chọn tôn vinh là người có công trạng với TP Hồ Chí Minh và được nhân dân ghi nhận, có phẩm chất đạo đức, uy tín, tầm ảnh hưởng rộng có danh tiếng, được đông đảo người dân thành phố thừa nhận, ủng hộ và đồng tình.

60 cá nhân tiêu biểu, trong đó có 31 người đã mất, được Thành ủy TP Hồ Chí Minh thống nhất tôn vinh vì thành tích đặc biệt xuất sắc, nhiều cống hiến cho cộng đồng và xã hội trong suốt 50 năm qua. Các cá nhân tiêu biểu được xét chọn trên 7 lĩnh vực gồm: 13 cá nhân lĩnh vực chính trị, quản lý nhà nước; 12 cá nhân lĩnh vực hoạt động xã hội; 11 cá nhân lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ; 10 cá nhân lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; báo chí truyền thông; 5 cá nhân lĩnh vực kinh tế; 4 cá nhân lĩnh vực quốc phòng - an ninh; 5 cá nhân lĩnh vực dân tộc, tôn giáo.

1. Ở lĩnh vực chính trị, quản lý nhà nước có nhiều cá nhân tiêu biểu như nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh; nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng; nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt…

2. Lĩnh vực hoạt động xã hội có nhiều gương mặt tiêu biểu như nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa (Bảy Thư); nguyên Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP Hồ Chí Minh Ngô Thị Huệ (Bảy Huệ); Anh hùng Lao động (AHLĐ), nguyên Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Vĩnh Nghiệp…

3. Lĩnh vực khoa học công nghệ có nhà nghiên cứu lịch sử, địa lý Nguyễn Đình Đầu; nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đình Tư; Giáo sư, Tiến sĩ Chu Phạm Ngọc Sơn…

4. Lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật có Giáo sư, Tiến sĩ Âm nhạc Trần Văn Khê; NSND Kim Cương; NSND Phùng Há; nhạc sĩ Xuân Hồng; nhạc sĩ Trịnh Công Sơn; họa sĩ, nhà điêu khắc, nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh Diệp Minh Châu…

5. Lĩnh vực báo chí truyền thông có Nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, phụ trách Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ Trần Bạch Đằng.

6. Lĩnh vực kinh tế có AHLĐ, nguyên Giám đốc Công ty Kinh doanh lương thực TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Ráo; Tiến sĩ, nguyên Phó Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, ủy viên Hội đồng Khoa học TP Hồ Chí Minh Trần Du Lịch; AHLĐ, nguyên Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op Nguyễn Thị Nghĩa…

7. Lĩnh vực quốc phòng - an ninh có Nguyên Bộ trưởng Bộ Công an, nguyên Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Mai Chí Thọ; AHLLVTND Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang); AHLLVTND, Đại tá Lý Đại Bàng…

8. Lĩnh vực dân tộc, tôn giáo có Trưởng lão Hòa thượng pháp chủ Thích Trí Quảng - Chủ tịch Hội đồng giám luật Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam TP Hồ Chí Minh; Tổng Giám mục Paul Nguyễn Văn Bình; Gioan Baotixita Lê Đức Thịnh - Hiệp sĩ Đại thánh giá do Tòa thánh Vatican phong tước…

…………………………..

  1. Những tác phẩm bình chọn thuộc 9 lĩnh vực:

văn học, sân khấu, âm nhạc, điện ảnh, mỹ thuật, kiến trúc, nhiếp ảnh, múa, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số.

Đây là các tác phẩm văn học nghệ thuật được sáng tác và công bố từ ngày 30-4-1975 đến 31-12-2023. Được đề xuất để bình chọn

1. Lĩnh vực điện ảnh: Cánh đồng hoang, Ván bài lật ngửa, Xa và gần, Biệt động Sài Gòn, Ngọc trong đá, Vị đắng tình yêu, Song Lang, Mê Kông ký sự, Mai, Cầu thang tối. (10)

2. Lĩnh vực âm nhạc: các ca khúc Mùa xuân trên TP Hồ Chí Minh, Đất nước trọn niềm vui, Tiếng hát từ thành phố mang tên Người, Bên tượng đài Bác Hồ, Thành phố tình yêu và nỗi nhớ, Một đời người một rừng cây, Thành phố của tôi, Thành phố trẻ, Thành phố tôi yêu; bản giao hưởng số 6 Sài Gòn 300 năm. (10)

3. Lĩnh vực văn học: Quê hương địa đạo (nhà văn Viễn Phương), Bàn thờ tổ của một cô đào (Nguyễn Quang Sáng), Ở R - Chuyện kể sau 50 năm (Lê Văn Thảo), Nhân có chim sẻ về (Chim Trắng), Mùa hè giá buốt (Văn Lê), Rừng thiêng nước trong (Trần Văn Tuấn), Đứng trước biển (Nguyễn Mạnh Tuấn), Mắt biếc (Nguyễn Nhật Ánh), lý luận phê bình Ngoại vi thơ (Chế Lan Viên), tập thơ Thì thầm với dòng sông (Hoài Vũ). (10)

4. Lĩnh vực mỹ thuật: tượng Bác Hồ với thiếu nhi (đặt tại Nhà Thiếu nhi TP Hồ Chí Minh), tượng đài Mẹ Tổ quốc và chiến sĩ vô danh (Nghĩa trang liệt sĩ TP Hồ Chí Minh), tranh Thanh niên thành đồng (họa sĩ Nguyễn Sáng), tượng đồng Nguyễn Tất Thành (Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TP Hồ Chí Minh), bộ tranh gốm Đền Bến Dược, biểu tượng Hồn thiêng đất nước (khu di tích lịch sử Bến Dược - Củ Chi), phù điêu Cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 tại Sài Gòn - Gia Định (khu di tích xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh), tranh Vì sự bình yên của đất nước (Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh), cụm tượng Ngã Ba Giồng - Hóc Môn, tượng Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, TP Thủ Đức).

5. Lĩnh vực sân khấu: cải lương Người ven đô (Đoàn Cải lương Sài Gòn 1), Tiếng trống Mê Linh (Đoàn Cải lương Thanh Nga), Rồng phượng, Chim Việt cành Nam, Chiến binh (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang); kịch nói Lá sầu riêng (Đoàn kịch nói Kim Cương), Dạ cổ hoài lang (Nhà hát Kịch sân khấu Nhỏ); hát bội Lê công kỳ án (Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM); xiếc À Ố show (Luna Production); múa rối nước Anh hùng Nguyễn Trung Trực (Nhà hát nghệ thuật Phương Nam).

6. Lĩnh vực nhiếp ảnh: ảnh Mẹ con ngày gặp mặt (tác giả Lâm Hồng Long), Bí thư Võ Văn Kiệt trao cờ xuất quân cho tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh (Thiên Điểu); các sách ảnh Ảnh thời chiến (Lâm Tấn Tài), Sài Gòn ngoan cường (Nguyễn Á), Vượt qua bóng tối (Trần Thế Phong), Việt Nam quê hương mến yêu (Nguyễn Đặng) Lấp lánh Thành phố tôi (Ngô Thị Thu Ba), 10 năm sân khấu trong tôi (Nguyễn Thị Hồng Nga); bộ ảnh Chiếc áo mới cho những dòng kênh đen tại TP Hồ Chí Minh (Đinh Ngọc Trung), Cầu Ba Son nối dòng phát triển (Trần Lê Huy).

7. Lĩnh vực múa: Mâm vàng Cửu Long và Mùa sen nở (Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen), Chuyện tình non sông (Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP Hồ Chí Minh), Huyền thoại Rừng Sác (Đoàn văn công Quân khu 7), Ngọn lửa thành đồng (biên đạo: Xuân Hanh), Trắng đen hay Ánh sáng và bóng tối (biên đạo: Tô Nguyệt Nga).

8. Lĩnh vực kiến trúc: Đền tưởng niệm Vua Hùng TP Hồ Chí Minh, quần thể công trình Nhà thiếu nhi TP Hồ Chí Minh, Đền tưởng niệm Bến Dược - Củ Chi, Nhà hát Hòa Bình (Quận 10), Nhà Văn hóa Sinh viên TP Hồ Chí Minh, Trường THCS Nguyễn Văn Tố, Trung tâm hành chính Quận 10, Artex Saigon Building, Đài Tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, Kho bạc Nhà nước TP Hồ Chí Minh.

 

9. Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số: sách Học tập tấm gương đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh về chính sách đoàn kết dân tộc (dân tộc Khmer); sách Người Chăm với Bác Hồ (dân tộc Chăm); thư pháp Nhật ký trong tù, Thực hiện di chúc Bác Hồ 1969 – 2019, 40 năm huy hoàng, sách Nét đẹp văn hóa cộng đồng của Hội quán người Hoa tại TP Hồ Chí Minh, vở kịch tiếng Triều Châu Nghĩa tình năm ấy, vở kịch tiếng Quảng Đông Tô Ánh Nguyệt, tranh thủy mặc Sông Sài Gòn ngày nay, tuyển tập Việt Nam Cẩm Tú trong tranh thủy mặc (dân tộc Hoa).

………………………………………………………………………………………

 

GV đăng nhập xem TKB

Tài khoản:
Mật khẩu:

Hướng dẫn đăng nhập

HS đăng nhập xem điểm

Tài khoản:
Mật khẩu:

Hướng dẫn đăng nhập

Dạy và học Online

Tuyển dụng nhân sự

Bản đồ vị trí

Bản đồ vị trí

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập: 6
  • Hôm nay: 1,888
  • Hôm qua: 3,305
  • Tuần này: 12,003
  • Tuần trước: 24,759
  • Tháng này: 1,888
  • Tháng trước: 103,396
  • Tổng cộng: 4,160,033

Liên kết website

Top